Ngày 12/7, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn cũng như tại cộng đồng các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm gia cầm lây sang người, sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị người bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Ảnh minh họa
Khi phát hiện các ca bệnh nghi ngờ kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh để gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh và khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất để xử trí kịp thời khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Triển khai các hoạt động dự phòng theo kế hoạch liên ngành phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2023 của Sở Y tế - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, Hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và Hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm gia cầm lây sang người. Phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thu thập mẫu bệnh phẩm xác định nguyên nhân, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời không để dịch lây lan trong bệnh viện. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư phục vụ thu dung, cách ly điều trị người bệnh theo quy định của Bộ Y tế và thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh tại Cảng hàng không Liên Khương, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm chẩn đoán xác định. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: giám sát dịch tễ, điều tra các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định, cách ly, điều trị kịp thời, đồng thời áp dụng các biện xử lý ổ dịch, đảm bảo không để lây lan thành dịch. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất để xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra trên địa bàn.
Khi có chỉ điểm về dịch tễ, phối hợp Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản điều tra, xác minh ổ dịch, khoanh vùng xử lý ổ dịch triệt để tránh lây lan sang các vùng lân cận; thông báo hai chiều về tình hình dịch bệnh ở người, động vật; các ổ dịch trên người, trên động vật; kết quả xét nghiệm có liên quan đến gia súc, gia cầm… Chịu trách nhiệm chung về công tác chuyên môn trên địa bàn tỉnh, báo cáo Sở Y tế về tình hình dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn.
(Theo AN NHIÊN/baolamdong.vn)