(LĐ online) - Ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục thúc đẩy thực hiện Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng về kế hoạch triển khai các mô hình điểm nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để tra cứu thông tin BHYT của bệnh nhân
Mô hình điểm “Khám, chữa bệnh sử dụng QRCode thẻ CCCD và VNeID” triển khai tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ tháng 11/2023 đến 30/01/2024 và duy trì thường xuyên.
Việc triển khai thực hiện Mô hình điểm “Khám, chữa bệnh sử dụng QRCode thẻ CCCD và VNeID” nhằm phục vụ công tác làm sạch dữ liệu khám, chữa bệnh với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia về dân cư, làm giàu cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia theo nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng, đơn giản, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tiết kiệm chi phí cấp phát, quản lý thẻ BHYT và chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Sở Y tế tỉnh yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trang bị đầu đọc QRCode thẻ CCCD theo quy chuẩn, hạn chế người dân xuất trình thẻ BHYT, ứng dụng VSSID khi tham gia khám bệnh, chữa bệnh. Đảm bảo 100% công dân được cấp CCCD gắn chíp, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp hoặc VNeID để khám, chữa bệnh; trong đó, 70% số lượng công dân sử dụng QRCode thẻ CCCD và VNeID đi khám, chữa bệnh có thông tin BHYT trả về.
Theo đó, nội dung thực hiện đó là: Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyên truyền, hướng dẫn về khám, chữa bệnh BHYT bằng QRCode thẻ CCCD và VNeID bằng nhiều hình thức: trực tiếp tại khu vực tiếp đón bệnh nhân, qua trang thông tin điện tử, fanpage, zalo, kênh truyền thanh địa phương. Đối với trường hợp người dân đã được cấp CCCD gắn chíp: Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QRCode) hoặc qua ứng dụng VNeID đã có thông tin hợp lệ thông tin BHYT thì cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin BHYT đồng thời, tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành. Trường hợp kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin BHYT tích hợp trên CCCD thì cơ sở khám, chữa bệnh giải thích để người bệnh biết tình trạng thông tin BHYT chưa được tích hợp trên CCCD, thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành. Đồng thời, hướng dẫn người bệnh đến cơ quan công an sở tại để kiểm tra, đối chiếu và cập nhật thông tin.
Đối với người bệnh chưa được cấp CCCD gắn chíp: Thực hiện quy trình khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ BHYT theo quy định, đồng thời hướng dẫn công dân đến cơ quan công an sở tại để làm thủ tục cấp CCCD và đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh trực tiếp chỉ đạo các khoa phòng, bộ phận liên quan triển khai tiếp đón người bệnh khi thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng QRCode thẻ CCCD và VneID. Chủ động trang bị đầy đủ thiết bị đọc QRCode thẻ CCCD tại khu vực tiếp đón bệnh nhân; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đối tác, đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trên địa bàn để hỗ trợ về giải pháp kỹ thuật, công nghệ thông tin khác đẩy nhanh hoàn thành mô hình tại đơn vị. Tổ chức tuyên truyền về lợi ích của việc triển khai mô hình, lợi ích mà người bệnh được hưởng; hướng dẫn người dân thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng QRCode thẻ CCCD và VNeID bằng nhiều hình thức: hướng dẫn trực tiếp tại khu vực tiếp đón, tuyên truyền, hướng dẫn trên trang thông tin điện tử, fanpage, zalo… của đơn vị nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Sở Y tế tỉnh phối hợp cùng Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, BHXH tỉnh triển khai, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình điểm tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Văn phòng Sở Y tế chịu trách nhiệm rà soát, thống kê số lượng và đề xuất nhu cầu trang bị máy quét QRCode thẻ CCCD tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc; đề xuất đầu tư trang thiết bị triển khai mô hình điểm. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát quá trình triển khai mô hình tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện mô hình về Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh và UBND tỉnh Lâm Đồng.
AN NHIÊN