Năm 2001, tôi được phân công đưa 04 trí thức trẻ tình nguyện (Dự án của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) về công tác tại xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương); từ ngã ba Tùng Lâm vào xã Đưng K’Nớ, chúng tôi phải mò mẫm hơn một ngày trời đi bộ trên con đường rừng heo hút, bùn lầy đầy ruồi vàng, muỗi, vắt... Đưng K’Nớ hôm nay đã thay đổi và khác xưa quá nhiều.
Đưng K’Nớ không còn xa xôi
Mười tám năm trở lại, cũng con đường này (chừng 60 km) xe ô tô bon bon uốn lượn chạy qua những cánh rừng xanh bạt ngàn; những vườn nông sản, cây trái của dân trĩu quả. Tôi không còn nhận ra đâu là nơi cây cầu gỗ cheo leo bắc qua con suối nước chảy xiết (trượt chân coi như bị mất tích); đoạn kia là vũng sình ngập tới trên gối mà mấy anh em đã bì bõm cõng ba lô, nồi chảo lỉnh kỉnh dắt nhau lội qua,...
Đưng K’Nớ hôm nay đã thay đổi và khác xưa quá nhiều. Một địa bàn không chỉ khó khăn nhất của huyện Lạc Dương mà là xã khó khăn nhất của cả tỉnh Lâm Đồng đã thay da đổi thịt. Để có được thành quả này, bên cạnh sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền huyện Lạc Dương; sự đầu tư kịp thời, hiệu quả từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh Lâm Đồng đối với các xã nghèo, xã vùng đồng bào DTTS khó khăn và còn nhiều yếu tố thuận lợi khác đã giúp vực dậy xã nghèo này phát triển.
Trường THCS xã Đưng K’Nớ đang được xây dựng sắp hoàn thiện
Trước tiên, nhờ dự án mở rộng tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn xã Đưng K’Nớ được hoàn thành, khai thác từ tháng 3/2015 đã nối thông suốt mạch giao thông trước nay vốn cách trở, khó khăn; phá vỡ thế bị cô lập của xã Đưng K’Nớ với bên ngoài. Cùng với giao thông, hệ thống điện lưới thắp sáng, nước sinh hoạt, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp,... đã góp phần từng bước hình thành diện mạo mới của xã nghèo Đưng K’Nớ.
Xã Đưng K’Nớ có 526 hộ với 2.236 nhân khẩu (chiếm gần 95% dân số toàn xã là người DTTS gốc bản địa Kơ Ho). Hơn 10 năm về trước, do giao thông đi lại cách trở, khó khăn; điện lưới quốc gia chưa được kéo vào làm cho đời sống mọi mặt của đại bộ phận nhân dân Đưng K’Nớ rơi vào tình trạng đói, nghèo, bệnh tật. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nơi đây hết sức khó khăn, tăm tối. Cùng với đó, tập quán canh tác lạc hậu, phương tiện sản xuất thiếu thốn; tư tưởng trông chờ, ý lại của nhân dân vào chế độ trợ cấp, hỗ trợ của chính quyền, Nhà nước. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo rất cao (chiếm trên 50%) dân số toàn xã.
Tôi còn nhớ những năm ấy khi vào mùa mưa, dường như xã Đưng K’Nớ bị cô lập hoàn toàn giữa bốn bề rừng sâu, núi thẳm vì con đường đất độc nhất từ Suối Vàng đi vào xã bị sạt lở, xe ô tô tải thường chở hàng không vào được. Anh em trong đội hình trí thức trẻ tình nguyện và nhân dân (dù có tiền) nhưng không có lương thực, thực phẩm để mua. Mì gói và cá khô trong 02 cái quán của người Kinh bán tại xã cũng “cạn” hàng !...
Song, “Hôm nay xã Đưng K’Nớ đã khác xưa lắm rồi” ! - Đó là khẳng định của Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ - Thân Văn Hữu khiến chúng tôi hết sức vui mừng trong chuyến trở lại thăm xã nghèo năm xưa với tôi đầy ắp những kỷ niệm.
Nhân dân đã biết làm giàu
Cùng với Điện - Đường - Trường - Trạm được đầu tư xây dựng, ý thức vượt khó, thoát nghèo để vươn lên làm giàu thực sự là nhân tố rất đáng ghi nhận của đồng bào DTTS xã Đưng K’Nớ ! Được Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân tuyên truyền, vận động đã giúp người dân hiểu ra nguyên nhân xưa nay đã khiến họ phải sống trong khó khăn, tăm tối, nghèo nàn, lạc hậu - đó là ý thức phải tự vươn lên thoát nghèo!
Đồng chí Bí thư - Chủ tịch UBND xã rất phấn khởi cho biết, nếu như ngày xưa nhân dân rất thụ động, tuyên truyền, vận động họ rất khó khăn, thì đến nay, người dân rất tích cực ủng hộ mọi chủ trương của Đảng và chính quyền. Để làm đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng các công trình dân sinh, làm hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng,... khi chính quyền vận động, nhân dân đều ủng hộ hiến đất, tham gia ngày công, đóng góp tiền. Nhờ đó, đến nay, hầu hết các con đường đi lại giữa các thôn (4 thôn) đều được bê tông hóa, 4/4 thôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ hội họp của nhân dân; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Ngoài trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND xã được xây dựng khang trang, đủ điều kiện làm việc, những năm gần đây, hệ thống trường học trong xã cũng đã được quan tâm đầu tư xây dựng rất rộng rãi, trang bị dụng cụ dạy và học; 100% học sinh trong độ tuổi đã ra lớp, chất lượng giáo dục ngày một nâng lên; công tác chăm sóc y tế, sức khỏe nhân dân được quan tâm; 100% hộ gia đình sử đã dụng điện lưới và nước sạch hợp vệ sinh; xã đã đạt 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Ngoài hướng dẫn, vận động nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng sản lượng và thu nhập trên một diện tích bằng cách chuyển đổi trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, chính quyền quan tâm giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng tạo thu nhập thêm cho nhân dân. Đến nay, trung bình mỗi hộ dân ở xã Đưng K’Nớ nhận chăm sóc, bảo vệ 30 ha rừng, trung bình mỗi quý, mỗi hộ dân được chi trả khoảng 2 triệu đồng.
Nông dân Cơ Liêng Ha Đông đang chăm sóc vườn dược liệu đương quy của gia đình
Đặc biệt, nhiều hộ DTTS ở Đưng K’Nớ tỏ ra khá nhạy bén với phương thức làm ăn mới, tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân các xã khác đã chuyển đổi cây trồng mới cho năng suất cao; đồng thời áp dụng sản xuất trong nhà kính, nhà lưới,... Tiêu biểu như gia đình anh Cơ Liêng Ha Đông đã mạnh dạn đầu từ trồng cây dược liệu Đương Quy trên diện tích hơn 6.000 m2. Nông dân này cho biết, anh đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại MAIMITSU VIỆT NAM (trụ sở tại Tp.HCM). Công ty này đã đầu tư 10% tiền giống và phân bón, gia đình Ha Đông bỏ ra 300 triệu đồng vốn mua sắm phương tiện sản xuất; toàn bộ sản phẩm sẽ do Công ty này bao tiêu. Hiện 6.000m2 đương quy của gia đình Ha Đông đã hơn 6 tháng tuổi, dự kiến cuối năm sẽ cho thu hoạch tiền tỷ.
Nhờ biết chuyển đổi phương thức sản xuất, chịu khó làm ăn và ý thức vượt nghèo vươn lên làm giàu mạnh mẽ trong nhân dân đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nhèo của xã Đưng K’Nớ trong những năm gần đây. Nếu năm 2009, toàn xã Đưng K’Nớ có 47,3% hộ nghèo, thì đến cuối năm 2018, toàn xã giảm chỉ còn khoảng 15% hộ nghèo. Đặc biệt, ngày càng nhiều hộ gia đình người DTTS ở Đưng K’Nớ có mức thu nhập khá, giàu liên tục gia tăng; đây là tín hiệu rất đáng mừng.
Một căn nhà mới khang trang của người dân xã Đưng K’Nớ, cạnh tỉnh lộ 722 qua trung tâm xã
Về Đưng K’Nớ hôm nay tận mắt chiêm ngưỡng nhiều ngôi nhà của người dân được xây dựng khá kiên cố, khang trang, rộng rải trị giá tiền tỷ. Đây là những gam màu sáng đang dần lan tỏa ở một xã vùng DTTS năm xưa bị cô lập, đói nghèo, tăm tối đã và đang hiện hữu một cuộc sống no đủ, hạnh phúc và đẹp giàu.
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng