Những ngày này, cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta đang bước vào giai đoạn cam go và khó khăn nhất. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân chống dịch của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ở một số địa phương trên cả nước đã có nhiều cụ già tuổi cao, sức yếu nhưng cũng tình nguyện góp công, góp của vào công cuộc chống dịch của quốc gia. Ở thị trấn Lạc Dương có bà Vũ Thị Đấu, từ số tiền tiết kiệm được bà đã ủng hộ 5 triệu đồng cùng với chính quyền địa phương chung tay phòng chống đại dịch Covid-19.
Những ngày qua, người dân Lạc Dương đi đâu cũng nhắc đến câu chuyện cảm động về bà Vũ Thị Đấu ở tổ dân phố Đồng Tâm - thị trấn Lạc Dương. Việc làm ý nghĩa của bà khiến cả con cháu trong nhà lẫn các cán bộ thị trấn Lạc Dương đều bất ngờ. Chúng tôi đến thăm bà, nói chuyện, thuyết phục mãi bà mới cho viết bài đưa tin. Trong câu chuyện với chúng tôi bà tâm sự: Năm nay đã bước sang tuổi 74 nhưng tối nào bà cũng xem các bản tin thời sự của Trung ương và địa phương. Thấy các ngành, các cấp, các nhân viên y tế vất vã ngày đêm chống dịch, đất nước đang thời kỳ khó khăn, bà trăn trở phải làm một việc gì đó thật có ý nghĩa để chia sẽ khó khăn chung với đất nước. Vậy là hôm sau, ngay khi thức dậy, không cần đắn đo suy nghĩ, cũng chẳng hỏi ý kiến chồng con, bà quyết định cầm 5 triệu đồng nhờ đứa cháu chở lên UBND thị trấn Lạc Dương ủng hộ. Đây là số tiền bà dành dụm được từ hơn một năm vất vã sớm hôm với luống rau, ngọn cỏ, tích cóp từng đồng bán từng mớ rau trong vườn.
Ông, bà Vũ Thị Đấu - Tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Lạc Dương
Khi đến UBND thị trấn, bà xin trực tiếp gặp đồng chí chủ tịch UBND thị trấn và bày tỏ mong muốn chung tay cùng với chính quyền địa phương phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trò chuyện một lúc, rồi bà lấy trong túi ra một chiếc phong bì, bên trong có 5 triệu đồng. Quá bất ngờ với việc làm của bà, lãnh đạo thị trấn chỉ biết cảm ơn trước nghĩa cử cao đẹp của bà. Trước khi ra về bà không quên dặn các đồng chí lãnh đạo thị trấn: Việc làm của bà chỉ là đóng góp nhỏ bé cho đất nước nên bà không muốn nhiều người biết. Mọi việc xong xuôi về đến nhà bà mới gọi chồng con đến nói chuyện về việc mình vừa làm và quán triệt không ai được có ý kiến gì, vì đây là việc làm cần thiết cho đất nước ngay lúc này. Hiểu được tấm lòng của bà, chồng con ai cũng vui, cũng tự hào về bà. Kể từ hôm đó người trên, xóm dưới, cả thị trấn Lạc Dương ai cũng biết đến câu chuyện của bà, nhưng khi nghe ai nói về hành động của mình, bà đều lắc đầu, xua tay: “Số tiền đó bà tiết kiệm được, bà còn nhiều việc phải lo nhưng đất nước đang khó khăn, bà muốn ủng hộ”.
Ở tuổi 74, bà Đấu vẫn còn khỏe lắm, hàng ngày bà vẫn ra vườn chăm sóc luống rau, nuôi thêm gà vịt vừa có thực phẩm sạch cho con cháu, vừa bán cho mọi người xung quanh để có thêm đồng ra, đồng vào. Tâm sự với chúng tôi, bà vẫn còn nhớ rành mạch về câu chuyện cuộc đời mình. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở mãnh đất Hải Dương, năm 19 tuổi bà được kết nạp vào hàng ngũ cuả Đảng rồi bà gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”. Những năm 80 bà chia tay mảnh đất “chôn rau cắt rốn” cùng chồng con vào sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất Lạc Dương - Lâm Đồng. Cuộc sống khó khăn nhưng bà tự nhận đi đâu cũng có người thương, người giúp đỡ. Bao năm vất vã mưu sinh lo cho cuộc sống, bây giờ bốn người con của bà ai cũng trưởng thành, có địa vị trong xã hội và bà cũng không quên để có được như ngày hôm nay đều nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ. Chính vì vậy mà khi đất nước cần, bà đã không đắn đo suy nghĩ, sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ bé của mình cùng đất nước sớm vượt qua đại dịch. Nghĩa cử cao đẹp của bà Vũ Thị Đấu khiến cho nhiều người xúc động, đặc biệt đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, kịp thời động viên tinh thần của tập thể cấp ủy, chính quyền thị trấn Lạc Dương trong cuộc chiến gay go này. Ông Trần Xuân Đường - Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương không giấu được xúc động: “Việc làm của bà Vũ Thị Đấu là một nghĩa cử cao đẹp, thật sự rất có ý nghĩa. Chúng tôi thực sự cảm động trước hành động của, bà là tấm gương sáng cần được nêu gương, nhân rộng trong xã hội.”
Chia tay bà Vũ Thị Đấu trong lòng chúng tôi vẫn còn xúc động lắm. Việc làm mà bà gọi là nhỏ bé, nhưng với chúng tôi và cả nhiều người dân Lạc Dương đó là việc làm cao cả, là nghĩa cử cao đẹp mà ai cũng thấy ấm lòng. Đất nước đang khó khăn, một lần nữa tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của những người đang ở “tuyến đầu của trận chiến” phòng chống “giặc bệnh Covid-19” lại làm lay động hàng triệu con tim của quân và dân cả nước, của những người như bà Đấu bằng những hành động, việc làm thiết thực đời thường mang đậm tính nhân văn cao đẹp của truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Phạm Phương