Trong những năm qua, việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của nhiều nông dân Lạc Dương. Từ phương thức sản xuất truyền thống, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đưa kinh tế ngày càng phát triển.
Nhiều hộ trồng hoa hồng tại thị trấn Lạc Dương đã có thu nhập cao nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Thị trấn Lạc Dương hiện là địa phương đi đầu của huyện Lạc Dương trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và đã đạt được những thành tựu nhất định. Đến nay, toàn thị trấn đã có 120 ha rau, hoa sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, các biện pháp khoa học kỹ thuật được nông dân áp dụng một cách nghiêm ngặt, đúng quy trình từ đó đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thị trấn hiện đã thành lập được 07 Tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, hoa, cà phê. Nhờ áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao mà hiện nay thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác của bà con nông dân thị trấn Lạc Dương đạt từ 180 đến 200 triệu/năm; thậm chí có những diện tích canh tác hoa cao cấp đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Mô hình sản xuất atiso ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao
Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Lạc Dương chú trọng đẩy mạnh thực hiện, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân. Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức được 39 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho hàng trăm lượt nông dân trên địa. Thông qua các nội dung chuyển giao khoa học kỹ thuật, bà con nông dân được trang bị thêm những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là được hướng dẫn quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn Việt GAP, sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật đối với cây trồng và sức khỏe của con người… góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cho hội viên. Nhờ đó mà cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện đã chuyển dịch theo hướng tăng dần diện tích, sản lượng và giá trị; trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với một số cây trồng có thị trường tiêu thụ như rau, hoa, dâu tây, atiso… Nhiều công nghệ mới đã được nông dân ứng dụng và trở thành phổ biến như nhà kính, công nghệ tưới tự động, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt… Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả cao như: Mô hình sản xuất hoa cúc, hoa cát tường, mô hình sản xuất rau sạch, nấm, mô hình trồng khoai lang mật… qua đó đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, giúp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Một mô hình trồng hoa cẩm tú cầu của hội viên Hội Nông dân xã Đạ Sar
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong những năm qua, huyện Lạc Dương tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện. Bên cạnh việc tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, huyện đã chú trọng vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào thâm canh cây trồng; chú trọng đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nông nghiệp; quy hoạch và đầu tư mở rộng vùng sản xuất cà phê, rau hoa tập trung; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nuôi cá nước lạnh... Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận với những chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện để phát triển bền vững. Từ chủ trương đúng đắn kết hợp với các giải pháp đồng bộ, huyện Lạc Dương bước đầu hình thành chuỗi sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện, đặc biệt là Hội Nông dân quan tâm thực hiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích canh tác.
Mô hình trồng hoa cẩm chướng của một hộ nông dân ở thôn Păng Tiêng, xã Lát
Trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững thời gian tới, huyện Lạc Dương xác định tập trung khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, phấn đấu có 40% diện tích canh tác trên địa bàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện đúng định hướng đề ra, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, có nhiều chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư, nhiệm vụ mà huyện Lạc Dương đặt ra đó là tập trung xây dựng các mô hình sản xuất thí điểm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để người nông dân làm chủ các công nghệ hiện đại, từ đó đưa vào sản xuất có hiệu quả. Cùng với đó là thúc đẩy hoạt động phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang tri thức và tiến bộ khoa học và công nghệ từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn, thay đổi tập quán làm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Phạm Phương