Giữa vùng đất cà phê xã Đạ Nhim có một nông dân đã mở hướng đi mới với việc trồng cây đô la cắt cành bán phục vụ cắm hoa. Tuy mới đưa vào sản xuất nhưng mô hình bước đầu được đánh giá là thành công đem lai hiệu quả kinh tế khả quan. Mô hình đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chị Bon Đơng K’Brang, người đồng bào DTTS đầu tiên tại xã Đạ Nhim trồng cây đô-la để phát triển kinh tế
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Đạ Nhim, chúng tôi tới thăm mô hình trồng cây đô-la của hộ gia đình chị Bon Đơng K’Brang ở thôn Đạ Cháy. Cách nhà của chị không xa, chúng tôi đã thấy khu vườn xanh một màu bàng bạc, thoang thoảng mùi hương tinh dầu trong buổi sáng đầu tháng 11. Vừa kiểm tra sâu bệnh cho cây, chị K’Brang kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên biết đến cây đô-la. Chị cho biết: Lâu nay bản thân chị cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đạ Nhim chỉ quen với cây cà phê, cây rau; chưa khi nào tiếp xúc với cây đô-la bao giờ, nghe cái tên thôi cũng đã thấy lạ. Năm 2021, chị đi làm thuê cho một hộ người kinh ở Đà Lạt vào sản xuất trên địa bàn xã, chứng kiến việc trồng và chăm sóc loại cây này khá đơn giản, vốn đầu tư ít, phù hợp với địa hình đồi dốc; vào đúng thời điểm đó, một phần diện tích cà phê của gia đình đang cho năng suất kém, vậy là chị quyết định trồng thử nghiệm. Khi nắm chắc kỹ thuật cũng như thị trường tiêu thụ, chị K’Bang đầu tư 10 triệu đồng mua 200 cây giống về trồng trên diện tích khoảng 1 sào.
Cây đô-la thuộc họ bạch đàn, có lá tròn nhỏ hoặc lá hình tim, mọc đối xứng, có nguồn gốc châu Úc, rất được ưa chuộng trong ngành cắm hoa bởi dáng lá đẹp, màu xanh bạc khá đặc biệt và hương thơm tinh dầu dễ chịu. Nếu ngắt lá rồi vò nhẹ, nó sẽ có mùi rất đặc trưng của cây họ bạch đàn. Tán lá tròn có màu sáng khi còn non, có màu xanh lục khi đã trưởng thành. Cành đô la được dùng làm phụ kiện cắm hoa, trông rất nghệ thuật và lạ mắt. Cây này dễ trồng và nếu được chăm sóc tốt, nhà vườn có thể khai thác cành trong nhiều năm. Cây thường được nhân từ hạt, sau khi cao khoảng 30-40 cm thì đưa ra vườn trồng, có cọc cắm để cây không ngã đổ. Chăm tốt, nước tưới đầy đủ thì chỉ 8 tháng là cao ngang đầu người, có thể cho thu hoạch. Khi cây phân cành, cần ngắt đọt để nuôi cành. Khi cành "đứng đọt", tức là già, cứng thì có thể thu hoạch.
Cây đô-la có màu xanh bạc và mùi tinh dầu dễ chịu dùng để làm phụ kiện cắm hoa
Theo chị K’Brang, cây đô-la dễ trồng, dễ chăm, giá thị trường cũng khá ổn định; là cây trồng cho thu hoạch hàng tuần, có nguồn thu thường xuyên phục vụ đời sống kinh tế gia đình. Hiện chỉ với 200 gốc cây đô-la mỗi tháng cắt 01 lần, mỗi lần cắt khoảng 01 tạ với giá thu mua lá cây đô-la hiện tại từ 80 ngàn đồng/kg, mỗi tháng gia đình chị thu khoảng 8 triệu đồng, cao hơn cà phê nhiều. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, gia đình chị đã trồng thêm 200 cây đô-la loại baby; theo chị, loại này được thị trường ưu chuộng hơn và hiện được thu mua với giá 120.000đ/kg.
Bà Cil Pam K’Quyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Nhim cho biết: Với cây đô-la, vốn đầu tư không nhiều, kỹ thuật trồng khá đơn giản; cây ít bị sâu bệnh vì mùi hương tinh dầu của loài cây thuộc họ bạch đàn này có tác dụng xua đuổi côn trùng; giá bán cành đô-la khá ổn định, nhiều lúc các thương lái vào tận vườn cắt cành, cân ký rồi trả tiền tại chỗ, do đó nông dân không phải mất công thu hoạch, đóng gói, vận chuyển. Khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Lạc Dương lại được đánh giá là rất phù hợp với cây đô-la, đây là điều kiện rất thuận lợi để nông dân Lạc Dương nói chung và xã Đạ Nhim nói riêng có thêm một loại cây trồng mới, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập.
Phạm Phương