(LĐ online) - Những năm qua, huyện Lạc Dương đã tăng cường việc đầu tư phát triển toàn diện hệ thống giáo dục, nhất là ở bậc mầm non. Đến nay, các trường mầm non trên địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng về nhu cầu cơ sở vật chất để phục vụ việc dạy và học của các cháu.
Việc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng dạy và học được các nhà trường chú trọng thực hiện
Bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương cho biết, những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ngành Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, Huyện ủy - HĐND, UBND huyện Lạc Dương đã triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện của các cấp đầy đủ, kịp thời. Qua đó, trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ trên toàn huyện. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được bố trí đầy đủ theo yêu cầu vị trí công việc với trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn. Hiện, trên địa bàn toàn huyện Lạc Dương có 7 trường mầm non với tổng số 71 nhóm, lớp; trong đó, có 2 nhóm trẻ tư thục. Tổng số trẻ huy động đến trường là 2.408 cháu; trong đó, trẻ dân tộc thiểu số là 1.508 cháu, chiếm tỷ lệ 62,6%. Tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 27,75%, trẻ mẫu giáo đạt 85,78% và trẻ em 5 tuổi đến trường đạt 100%.
Trong những năm qua, UBND huyện Lạc Dương đã ưu tiên, dành nhiều nguồn kinh phí phát triển giáo dục mầm non với tổng ngân sách thực hiện trong năm 2022 là 29,896 tỷ đồng và năm 2023 là 27,323 tỷ đồng. Trong đó, riêng đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp, trong giai đoạn 2018-2022, huyện Lạc Dương đã đầu tư 32,418 tỷ đồng để thực hiện xây dựng 4 công trình trường mầm non với 3 công trình thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, gồm 17 phòng học, 5 phòng chức năng, các khối hiệu bộ, nhà bảo vệ, nhà để xe, sân chơi, hàng rào cho các trường mầm non. Đồng thời, đầu tư xây dựng thêm phòng chức năng, hội trường, bếp ăn, nhà ăn cho các trường mầm non trên địa bàn huyện với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỷ đồng. Qua đó, 7/7 trường mầm non trên địa bàn đã đạt chuẩn Quốc gia, đảm bảo các điều kiện phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, bên cạnh việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, những năm qua, công tác đổi mới quản lý giáo dục mầm non cũng luôn được ngành Giáo dục huyện Lạc Dương đẩy mạnh thực hiện. Việc ứng dụng các phần mềm trong quản lý, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ như: Phần mềm quản lý kế hoạch giáo dục, quản lý bán trú, quản lý sức khỏe trẻ, thống kê báo cáo... được các trường tích cực thực hiện. Đến nay, 7/7 trường trên địa bàn huyện ứng dụng có hiệu quả các phần mềm để quản lý, tổ chức các hoạt động trong nhà trường, góp phần thúc đẩy đổi mới trong giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non cũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn thực hiện tốt bằng nhiều hình thức khác nhau như đăng tin trên hệ thống website của nhà trường, qua bảng tuyên truyền của trường, lớp hoặc thông qua các bản tin được phát thanh qua hệ thống phát thanh của trường, hoặc thông qua các buổi hội họp tại trường. Mặt khác, đơn vị cũng đã phối hợp với cơ quan truyền hình, truyền thanh, các cơ quan báo chí của địa phương để tuyên truyền các chính sách, hoạt động liên quan đến giáo dục mầm non.
Đặc biệt, việc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non đã được các nhà trường xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục theo từng năm học, phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị và văn hóa vùng, miền của trẻ. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện luôn khuyến khích các trường áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trẻ tại địa phương; thực hiện nghiêm túc việc xây dựng khẩu phần ăn và định lượng dưỡng chất cho trẻ phù hợp với mức tiền đóng góp của phụ huynh tại cơ sở; thường xuyên thay đổi thực đơn theo tuần, tháng, theo mùa, sử dụng nguồn thực phẩm phong phú để nâng cao chất lượng bữa ăn.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non cũng được huyện Lạc Dương chú trọng thực hiện. Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chọn cử cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp bồi dưỡng do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đầy đủ. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non địa bàn huyện. Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi nhằm tạo môi trường để giáo viên học hỏi nâng cao nghiệp vụ bản thân, phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy.
“Trong thời gian đến, ngành Giáo dục huyện Lạc Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; trong đó chú trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính đi đôi với đổi mới công tác quản lý chỉ đạo. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, sử dụng các phần mềm máy tính trong việc quản lý và dạy học...”, bà Thủy cho hay.
HOÀNG SA