Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cá nhân, tổ chức có hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng… các loại vũ khí nếu không có giấy phép. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo điều 304 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Ảnh minh họa
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã phát hiện nhiều vụ liên quan vũ khí quân dụng, đặc biệt là các loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cơ quan Công an đã phát hiện và khởi tố hơn 20 vụ án về tội: “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”, trong đó có những vụ án các đối tượng phạm tội là những đối tượng sử dụng, tổ chức sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy, tín dụng đen, có nhiều tiền án, tiền sự, có nhiều hoạt động gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, tàng trữ sẵn vũ khí quân dụng và sẵn sàng dùng để giải quyết khi xảy ra mâu thuẫn.
Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là các ứng dụng bán hàng trên không gian mạng với đặc điểm dễ dàng tra cứu thông tin, việc mua bán hàng hóa trở nên dễ dàng và kết nối được nhiều người như các ứng dụng Facebook, Youtube, Zalo v.v… với giá chỉ từ vài triệu đồng đã dễ dàng mua được súng quân dụng, súng tự chế có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng. Đặc biệt có nhiều đối tượng đã lên các trang mạng xã hội xem các video hướng dẫn cách lắp đặt, chế tạo súng, đặt mua các linh kiện súng hơi, súng cồn, công cụ hỗ trợ v.v… sau đó về lắp ghép, chỉnh sửa thành các loại súng tự chế có khả năng gây sát thương, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, nguy hiểm hơn nữa đó là đã có đối tượng đã dùng súng tự chế và gây hậu quả chết người ở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cá nhân, tổ chức có hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng… các loại vũ khí nếu không có giấy phép. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo điều 304 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc như nào?
Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1.Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.
4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy khi phạm tội liên quan vũ khí quân dụng sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc. Khi phát hiện người có hành vi “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” đề nghị các tổ chức, cá nhân báo ngay cho Cơ quan Công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất hoặc qua đường dây nóng tố giác tội phạm về vũ khí quân dụng của Công an tỉnh Lâm Đồng, số điện thoại: 02633.815.475; Công an huyện Lạc Dương, số điện thoại: 02633.839.052 để xử lý theo quy định của pháp luật.
(Theo Công an huyện Lạc Dương)