Bà K’Dâng Ka Hoa ở thôn Tu Bó (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương), nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lạc Dương. Dù đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn chăm lo vườn tược tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, khoảng một năm nay, bà mở rộng thêm nhà trồng nấm và chia sẻ bí quyết làm nấm khá nhàn, cách nấu nấm ngon, đơn giản... rất phù hợp với chị em.
Bà Ka Hoa trong nhà trồng nấm của gia đình
Bà Ka Hoa xây dựng nhà trồng nấm vào tháng 3/2020, với diện tích khoảng 60 m2, với chi phí đầu tư hết 32 triệu đồng. Nhà nấm của bà Ka Hoa nếu sử dụng hết công suất có thể chứa được 12 ngàn phôi nấm, có giá vốn từ 32-42 triệu đồng tùy thuộc vào nguồn giống ở Đồng Nai hay Đơn Dương và đã tính cả tiền vận chuyển.
Hàng tháng, nhà nấm của bà Hoa chỉ thu hoạch khoảng một tuần, sau đó cho nấm nghỉ 20 ngày để nấm giữ được năng suất cao. Trong thời gian thu hoạch, mỗi ngày, gia đình bà thu khoảng 90-120 kg nấm/ngày, bán với giá 30 ngàn đồng/kg - tiêu thụ hết ở Đà Lạt và Nha Trang. Mỗi lứa nấm kéo dài khoảng 4-5 tháng, thu được từ 60-70 triệu đồng; trừ giá vốn và chi phí điện nước, bà có thêm vài triệu chi tiêu/tháng.
Bà Ka Hoa cho biết: Trồng nấm chỉ vất vả lúc thu hoạch thôi. Mỗi đợt thu hoạch, bà Hoa phải dậy từ 4 giờ sáng, hái nấm và đóng hàng đến trưa xong, thì gửi xe đi Đà Lạt hay Nha Trang. Đều đặn mỗi tháng chừng 4-5 ngày như thế. Thời gian còn lại, bà cho nấm nghỉ ở nhiệt độ thường, không cần tưới hay cân chỉnh nhiệt độ. Có hàng thì gửi xe ở ngay cổng nhà; gọi giống cũng được chở đến tận cửa vườn...
Cũng theo bà Hoa, việc trồng nấm hầu như chỉ một mình bà quán xuyến, vì chồng bà còn đi làm, các con đi học xa; thỉnh thoảng hái nấm đúng ngày nghỉ, các thành viên trong gia đình mới có dịp giúp bà... Vì vậy, bà Hoa cho rằng việc trồng nấm rất phù hợp với chị em phụ nữ, nhất là chị em ở vùng nông thôn, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình mà lại không mất nhiều thời gian, công sức.
Nấm là một loại thực phẩm phổ thông, không khó trồng, nhưng có rất nhiều lợi ích, luôn được tiêu thụ mạnh. Nhà trồng nấm đơn giản của bà Ka Hoa với nền xi măng, mái và 4 mặt tường phủ kín bạt tối. Trong nhà đặt các khung sắt và giá kệ để treo phôi nấm bằng dây thừng. Sau 4-5 tháng, các phôi nấm đã cạn chất dinh dưỡng sẽ được dùng để bổ sung thêm dinh dưỡng cho các loại cây trồng khác.
Bà Ka Hoa trồng nhiều loại nấm, như nấm bào ngư trắng, bào ngư vàng, bào ngư xám, tú trân. Do đặc tính sinh trưởng, nấm được trồng trong môi trường rất sạch sẽ, không sâu bệnh; ngay cả việc thu hái cũng phải đảm bảo vệ sinh và không để cây nấm bị dập nát; được đóng gói theo quy cách nhỏ là 0,5kg/túi để người tiêu dùng dễ sử dụng... Nấm tươi cho vị giòn, thanh mát, có giá trị thực dưỡng và dược dưỡng tốt..., đó cũng là lý do, nhà bà Hoa chưa bao giờ bị dư thừa nấm do không tiêu thụ được.
Nấm sau khi thu hái có thể trữ được 5-7 ngày trong tủ lạnh. Tuy nhiên, nếu không ăn ngay thì không được rửa nấm, chỉ rửa nhẹ trước khi sử dụng; nhưng tốt nhất là nên chế biến thành món ăn ngay sau khi mua để đảm bảo độ tươi sạch và dinh dưỡng trong nấm không bị mất đi.
Nấm có nhiều cách chế biến, như hấp, xào, nấu canh, nướng, hoặc chế biến cùng các loại thực phẩm khác tùy sở thích và nhu cầu sử dụng, có thể chế biến chay hoặc mặn, nhưng không quá cầu kỳ, vì nấm chế biến càng lâu càng bị ra nước và dai... Bà Hoa cũng chia sẻ bí quyết xào nấm ngon là xào nhanh trên lửa lớn và đảo nhẹ tay...
Ở vùng nông thôn như Đạ Chais, hầu như gia đình nào cũng có vườn, canh tác chủ yếu là cà phê, thu nhập mỗi năm tùy vào năng suất và giá cả, lại còn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh...; thì, việc đầu tư mô hình nhà trồng nấm như của gia đình bà Ka Hoa giúp có nguồn thu nhập ổn định, không quá vất vả, cũng có thể nhân rộng để tạo sinh kế bền vững trong phát triển nông nghiệp, nông thôn...
LÊ HOA
Nguồn: baolamdong.vn