Những năm gần đây, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo xuất hiện khá nhiều tại xã Đạ Sar. Anh Lơ Mu Ha My Jel ở thôn 3 là một trong những hộ tiên phong đầu tư xây dựng sân bóng đá mini vừa để kinh doanh, vừa tạo sân chơi cho thanh thiếu niên trên địa bàn xã. Có thể nói đây là tín hiệu tích cực của việc thực hiện xã hội hóa thể thao, góp phần phát triển phong trào bóng đá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sân bóng đá được đầu tư bài bản, đúng quy định
Đến thăm gia đình anh Lơ Mu Ha My Jel ở thôn 3 xã Đạ Sar, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự quy mô và đầu tư bài bản sân bóng đá mi ni nhân tạo của gia đình. Người dân ở đây ai cũng khâm phục bởi ý chí nghị, lực vượt khó vươn lên làm giàu, tinh thần dám nghĩ, dám làm của anh My Jel.
Anh cho biết: “Với đặc thù địa bàn vùng núi, địa hình đồi dốc, thiếu mặt bằng, thiếu nguồn vốn nên chính quyền xã gặp nhiều khó khăn trong xây dựng sân thể thao. Hiện trên địa bàn xã cũng có một số sân bóng đá nhân tạo nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao cho thanh thiếu niên. Nhận thấy người dân trên địa bàn xã rất hâm mộ bóng đá, cứ vào buổi chiều hàng ngày thanh niên, thiếu niên của xã thường tập luyện đá bóng nhưng không đủ sân để tập. Thế là anh quyết tâm đầu tư xây dựng sân bóng đá không chỉ nhằm mục đích kinh doanh mà quan trọng hơn là tạo điều kiện cho thanh niên, học sinh của xã Đạ Sar và các xã lân cận có sân tập luyện và thi đấu. Từ đó sẽ thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của địa phương phát triển”.
Quyết tâm làm sân bóng nhân tạo, anh bàn với vợ sử dụng mảnh đất của gia đình hiện có, hoàn thiện hồ sơ đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất, tiến hành san ủi mặt bằng và liên hệ công ty ở thành phố Hồ Chí Minh thiết kế, xây dựng. Đầu năm 2022, anh My Jel đã xây dựng sân bóng đá nhân tạo rộng hơn 1.000m2 với tổng chi phí đầu tư trên 1,4 tỷ đồng. Sân bóng nhân tạo được xây dựng đạt chuẩn đúng theo quy định, có hệ thống nhà vệ sinh, nhà thay quần áo, nội quy sân; đặc biệt chỗ ngồi cổ vũ cho khán giả được anh đầu tư khá bài bản, khán giả cổ thể vừa ngồi quan sát các trận đấu, vừa ngắm cảnh, vừa thưởng thức cà phê hay nước giải khát. Theo anh, xây dựng một sân bóng đá nhân tạo cần đầu tư lớn, nhất là để có cỏ nhân tạo chất lượng tốt phục vụ người chơi thì thường chiếm đến 60 - 80% tổng kinh phí. Đây là loại hình mới ở vùng sâu trước giờ ít ai làm. Khi bắt đầu thực hiện ý tưởng, anh cũng không khỏi lo lắng: “Vốn đầu tư lớn, trên địa bàn xã có nhiều sân nên mình cũng lo. Nhưng sau khi đi vào hoạt động một thời gian, lượng khách bây giờ ổn định rồi, mình cũng đỡ lo hơn”.
Với giá thuê sân không quá đắt, ngay khi sân bóng của gia đình anh đưa vào hoạt động đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là thanh niên; nhiều giải bóng đá do xã tổ chức đều chọn sân bóng của gia đình anh. Nhu cầu đá bóng trên sân bóng mini cỏ nhân tạo ngày càng nhiều, mỗi tháng gia đình anh thu khoảng 30 triệu đồng chưa trừ chi phí. Với mô hình đầu tư kinh doanh mới, nhất là tinh thần dám nghĩ, dám làm anh Lơ Mu Ha My Jel đã được Mặt trận xã chọn là tấm gương tiêu biểu để Ủy ban MTTQ huyện biểu dương tại hội nghị gương sáng đời thường thời gian tới.
Nhiều giải bóng đá trên địa bàn xã chọn sân bóng đá của gia đình anh để tổ chức
Ông Cil Ha Mác - Chủ tịch UBMTTQ xã Đạ Sar cho biết: “Bằng việc tích cực tham gia xã hội hóa phong trào thể dục thể thao, anh Lơ Mu Ha My Jel đã trở thành người nông dân tiên phong đầu tư xây dựng sân bóng đá mini cỏ nhân tạo trên địa bàn xã Đạ Sar. Việc đầu tư này không đơn thuần chỉ là kinh doanh, mà từ đây còn tạo sân chơi thể thao lành mạnh cho thanh thiếu niên, giúp người chơi rèn luyện thể lực, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao của địa phương”.
PHẠM PHƯƠNG