Tiếp tục triển khai những giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước gắn sản xuất với chế biến, những vùng chuyên canh cây trồng chủ lực ở Lâm Đồng đã và đang tạo nên những bước chuyển quan trọng cho năm mới 2020.
Vùng chuyên canh rau Đà Lạt và các huyện phụ cận đã và đang phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Ảnh: Văn Việt
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, với địa hình trải dài từ độ cao 200 đến 1.500 m so với mặt biển, Lâm Đồng đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng chủ lực phong phú, đa dạng, sản phẩm mang tính đặc trưng của khí hậu ôn đới và á nhiệt đới.
Đó là vùng chuyên canh hơn 68.080 ha rau và 9.120 ha hoa, sản lượng hàng năm lần lượt gần 2,6 triệu tấn và 3,6 tỷ cành, tập trung khu vực Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. Đến nay có khoảng 95% diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao như nhân giống invitro, tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân, canh tác trong nhà kính, nhà lưới… Thống kê hiện có 1.260 ha rau Lâm Đồng được chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Và 8 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận ứng dụng công nghệ cao với gần 280 ha. “Thế mạnh đối với cây rau, hoa Lâm Đồng sản xuất tập trung nên đã tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, nhiều chủng loại sản phẩm có thể canh tác quanh năm hoặc thay đổi liên tục theo nhu cầu thị trường; trình độ canh tác của người nông dân đang ngày càng phát triển khá cao…” - theo đánh giá chung của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Đáng kể với tác động các giải pháp khoa học công nghệ, vùng chuyên canh hơn 160.700 ha cà phê vối, 13.685 ha cà phê chè, phân bố trên tất cả 12 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đang phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, gần 75.500 ha cà phê vối được cấp chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn 4C, VietGAP, rainforest; gần 19.130 ha ứng dụng sản xuất công nghệ cao, trồng cây che bóng, tăng sản lượng bình quân đến nay lên đến 31,8 tạ/ha. Riêng các giống cà phê chè đặc hữu, chất lượng cao như Moka, Arabica blend, Typica, Bourbon… đang được ngành nông nghiệp Lâm Đồng bình tuyển, chọn lọc các diện tích cây đầu dòng để bảo tồn và nhân rộng trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
Tương tự, cây chè toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển hơn 12.400 ha, tổng sản lượng 180.000 tấn chè búp tươi. Trong đó chiếm tỷ lệ gần 50% diện tích chè ứng dụng công nghệ cao. Nguồn giống phần lớn chuyển đổi từ chè hạt sang chè cành, đặc biệt các giống chè cao cấp từ Đài Loan như Kim tuyên, Tứ quý, Olong… Hoặc cây dâu tằm ở Lâm Đồng đang khôi phục trên tổng diện tích 8.000 ha, chiếm 70% diện tích trong cả nước. Tổng sản lượng lá dâu trong năm 2019 đạt 127.230 tấn, tương ứng tổng sản lượng 11.000 tấn kén. Có khoảng 14.000 nông hộ nuôi tằm, ươm tơ đạt 1.400 tấn mỗi năm. Đây là những giống dâu năng suất và chất lượng cao, được ngành nông nghiệp Lâm Đồng khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi thành công trong những năm gần đây gồm: TBL-03, TBL-05, VH-17, S7-CB, GQ2, VH-15, VH-17… Ngoài ra cây ăn quả cũng đang mở rộng lên đến 18.500ha nhờ chủ trương cải tạo vườn tạp được tích cực triển khai trên các vùng chuyên canh. Đó là các loại cây bơ, sầu riêng và các loại cây có múi… với 242 ha canh tác đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Gắn sản xuất chuyên canh cây ăn trái với chế biến, doanh nghiệp Lâm Đồng trong năm 2019 đã xuất khẩu đến 3.000 tấn thành phẩm nước cốt chanh dây sang các nước châu Á. Bên cạnh đó, gần 90 cơ sở đã đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại, chế biến đa dạng thành phẩm từ trái cây thu hoạch như sấy, mứt, nước cốt… tiêu thụ phần lớn qua hệ thống cửa hàng đặc sản trong nước. Hoặc trở lại với vùng nguyên liệu cây dâu tằm ở Lâm Đồng, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn trong và ngoài nước đã từng bước đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, mỗi năm sản xuất 5 triệu mét lụa mộc, 200.000 sản phẩm may từ lụa tơ tằm. “Tuy nhiên, hoạt động trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn Lâm Đồng hiện nay vẫn chưa chủ động được nguồn giống trứng tằm nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định. Riêng cây rau Lâm Đồng, hoạt động chế biến hàng năm mới đáp ứng khoảng 13% sản lượng và tính chung mới hơn 50% sản phẩm rau được chế biến trước khi tiêu thụ. Đây là một trong những hạn chế, khó khăn của ngành chế biến nông sản trong nước nói chung, của địa phương nói riêng. Bởi vậy các sở, ngành chuyên trách của tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư, kích cầu thị trường nội địa và xuất khẩu để ổn định và nâng cao giá trị hơn nữa mặt hàng nông sản đặc trưng chuyên canh từ các vùng sinh thái đa dạng của vùng đất Nam Tây Nguyên này.
VĂN VIỆT
Nguồn: baolamdong.vn