Phát triển và hình thành vùng sản xuất cây càphê ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân nắm vững về khoa học kỹ thuật, có kỹ năng tốt hơn trong phát triển kinh tế trang trại, xóa bỏ du canh du cư.
Thu hái cà phê. (Ảnh minh họa. Hưng Thịnh/TTXVN)
Ngày 23/9, ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), cho biết địa phương đang phối hợp cùng một số doanh nghiệp và người dân trên địa bàn phát triển vùng cà phê công nghệ cao với diện tích khoảng 300ha.
Đây chủ yếu là dòng cà phê Arabica đặc sản được trồng dưới chân núi Langbiang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương). Việc phát triển và hình thành vùng sản xuất cây cà phê ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân nắm vững về khoa học kỹ thuật, có kỹ năng tốt hơn trong phát triển kinh tế trang trại, xóa bỏ tình trạng du canh du cư phát nương làm rẫy.
Khi tham gia sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, người dân được các kỹ sư trực tiếp tập huấn, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, định hướng quy trình chăm sóc cụ thể cho từng vườn cho đến khi thu hoạch.
Theo ông Lê Chí Quang Minh, huyện đã mời một vài doanh nghiệp trong tỉnh và một số nơi khác chuyên thu mua cà phê của Lạc Dương để làm thương hiệu riêng và chào hàng ở một số nước như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy thương hiệu cà phê Langbiang và nâng tầm giá trị của cây cà phê Arabica.
Nhãn hiệu cà phê Arabica Langbiang của huyện Lạc Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận độc quyền từ năm 2016. Toàn huyện Lạc Dương hiện còn khoảng 4.000ha cà phê Arabica.
Vùng sản xuất chuyên canh cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng và thực hiện tại thị trấn Lạc Dương được xác định là vùng sản xuất có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lạc Dương./.
Nguồn: Nguyễn Dũng (TTXVN/Vietnam+)