Chiều 27/11, UBND huyện Lạc Dương đã chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất nấm hương trên địa bàn huyện.
Việc trồng nấm hương đang mang lại thu nhập ổn định cho bà con đồng bào DTTS huyện Lạc Dương
Sau gần 2 năm triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất nấm hương trên huyện Lạc Dương, đến nay, mô hình đã mang lại thu nhập tương đối ổn định cho bà con. Sản xuất nấm hương tại địa bàn có đầu vào cũng như đầu ra ổn định nên bà con yên tâm sản xuất.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều hộ dân trồng nấm trên địa bàn phản ánh, có một số thời điểm người dân nhận phôi nấm không đảm bảo chất lượng, khiến hiệu quả sản xuất đạt thấp. Bên cạnh đó, việc đề xuất thời gian liên kết cũng như ký kết hợp đồng tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân còn ngắn, chưa rõ ràng. Việc phân loại sản phẩm, giá cả sau thu hoạch còn chưa cụ thể, chưa có sự ràng buộc về mặc pháp lý. Qua đó, người dân tham gia liên kết mong muốn phía công ty cấp phôi phải đảm bảo chất lượng; đồng thời, có hợp đồng sản xuất lâu dài, ký kết rõ ràng để các hộ dân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Bình Nguyên, Giám đốc Công ty Nguyên Long, cho biết: Thời gian qua, công ty gặp một số sự cố về hệ thống điện nên một số phôi nấm của công ty cung cấp cho người dân không đạt chất lượng như mong muốn. Hiện, công ty đã khắc phục xong và cam kết sẽ cung cấp phôi giống đảm bảo trong thời gian tới cho bà con. Đối với đầu ra, Công ty đã nghiên cứu nhiều sản phẩm cho loại nấm hương và đã có đối tác nước ngoài hợp đồng thu mua nên việc mở rộng sản xuất của bà con sẽ được đảm bảo.
Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, nấm hương ở LangBiang chỉ thích hợp với vùng Lạc Dương, Đà Lạt nên điều kiện để người dân phát triển là rất tốt. Chính vì vậy, huyện Lạc Dương xác định nấm hương sẽ là sản phẩm chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện phấn đấu mỗi năm sẽ phát triển được 700 tấn nấm phục vụ các thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
HOÀNG SA - HOÀNG YÊN
Nguồn: baolamdong.vn