Lạc Dương là đơn vị cấp huyện trong tỉnh tiên phong phối hợp Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel để thực hiện việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ sò (Voso.vn). Từ đây, các sản phẩm đặc sản OCOP của huyện sẽ có thêm giải pháp tối ưu, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ 4.0 trong việc cung cấp giải pháp khép kín từ việc cập nhật sản phẩm, bán hàng, giao hàng đến thanh toán.
Nỗ lực nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động trên sàn TMĐT đang là hướng đi được huyện Lạc Dương tích cực triển khai
Khi sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT
Khi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa phát triển thì bài toán tìm đầu ra ổn định là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của sản phẩm ấy. Thời gian gần đây, việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trên địa bàn huyện Lạc Dương tích cực triển khai.
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F (tại tổ Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) cho biết: Hiện, công ty đang trồng phúc bồn tử hay còn gọi là dâu rừng, mâm xôi trên diện tích 2,5 ha dưới chân núi LangBiang. Bên cạnh đó, công ty còn liên kết với người dân địa phương để sản xuất phúc bồn tử hữu cơ, đáp ứng nguồn nguyên liệu chế biến rượu vang và các sản phẩm khác.
Vì sản xuất theo mô hình hữu cơ nên các diện tích sản xuất của công ty không sử dụng bất kỳ loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học nào. Đồng thời, không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc kích thích tăng trưởng. Đất vườn và nước tưới cho cây cũng phải đảm bảo không nhiễm hóa chất. Từ tháng 9/2018, mô hình của gia đình được Công ty TNHH ORGA Việt Nam chứng nhận sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn. Sau đó, vườn của gia đình tiếp tục được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ JAS của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, mở ra cơ hội phát triển thị trường trong nước và quốc tế.
Đến thời điểm hiện tại, công ty hiện có 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Rượu vang phúc bồn tử đỏ, Rượu vang phúc bồn tử đen, Nước cốt phúc bồn tử đỏ, Nước cốt phúc bồn tử đen, Mứt phúc bồn tử đỏ, Mứt phúc bồn tử đen. Trước đây, doanh nghiệp rất tích cực tham gia mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhưng hiện nay các trang mạng xã hội cũng ra nhiều quy định mới nên khả năng tương tác với khách hàng cũng hạn chế. Do đó, việc đưa các sản phẩm của công ty lên sàn giao dịch TMĐT là mong muốn tất yếu.
Theo ông Hà, kể từ khi công ty đưa sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT Voso.vn đã giúp sản phẩm có thể phủ khắp thị trường cả nước, dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn. Sàn TMĐT giúp khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông và nguồn lực doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại.
“Ở sàn giao dịch này có riêng phần dành cho sản phẩm OCOP. Tôi nghĩ, đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp tham gia giới thiệu bán các sản phẩm do cơ sở mình sản xuất. Chúng tôi hy vọng khi đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thì sản phẩm của công ty sẽ được nhiều người biết đến hơn cũng như nhận thêm nhiều đơn hàng hơn hiện nay” - ông Hà cho hay.
Tương tự, ông Trương Bình Nguyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Nguyên Long cho biết: Hiện công ty cũng đã đưa 2 sản phẩm là Nấm hương Langbiang và Nấm hương ăn liền lên sàn TMĐT Voso.vn và nhận được sự đón nhận cũng như phản hồi rất tốt từ khách hàng.
Chúng tôi xác định, trong thời gian tới, việc bán hàng sẽ đa dạng trên các loại hình nhất là các kênh thông tin điện tử, các trang mạng rất hiệu quả và phù hợp với xu thế thời đại. Vì vậy, chúng tôi đã và đang tìm kiếm thêm các đối tác để đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. Trong đó, Viettel Post là đơn vị đầu tiên chúng tôi phối hợp thực hiện việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch TMĐT.
Theo ông Nguyên, việc tham gia sàn TMĐT là một hoạt động rất thiết thực, mong rằng qua kênh này, các chủ thể sản phẩm sẽ mở rộng hướng để xúc tiến thương mại, giúp cho các sản phẩm đặc sản của địa phương không chỉ vươn tầm trong nước mà còn hướng đến mở rộng thị trường quốc tế.
Hiện, 11 sản phẩm OCOP đạt chuẩn cấp tỉnh của huyện Lạc Dương đã có mặt trên sàn TMĐT Voso.vn
Hướng đi tất yếu
Việc huyện Lạc Dương tiên phong phối hợp Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel để đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT ở thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, là hướng đi đúng và sẽ là cơ hội cho các sản phẩm của địa phương kết nối với sàn giao dịch thương mại ở các tỉnh, khu vực và trục TMĐT quốc gia, tạo chuỗi kết nối và mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực của huyện.
Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Sàn TMĐT là hình thức kinh doanh tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp sản phẩm có thể phủ khắp thị trường cả nước, dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn, khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông và nguồn lực doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Trước mắt, loạt sản phẩm đầu tiên gồm 11 sản phẩm OCOP đạt chuẩn cấp tỉnh của huyện Lạc Dương bao gồm: Rượu vang phúc bồn tử đỏ, Rượu vang phúc bồn tử đen, Nước cốt phúc bồn tử đỏ, Nước cốt phúc bồn tử đen, Mứt phúc bồn tử đỏ, Mứt phúc bồn tử đen thuộc Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F; sản phẩm Nấm hương Langbiang, Nấm hương ăn liền của Công ty Cổ phần Nguyên Long; sản phẩm rau xà lách thủy canh của Công ty Trang trại Trường Phúc; sản phẩm cà phê Chappi của Công ty TNHH Daisy International; sản phẩm Cà phê Arabica - Catimor vàng của hộ kinh doanh Yũ M’nang đã được hỗ trợ đưa lên sàn giao dịch Voso.vn. Ngay khi vừa có mặt trên sàn giao dịch, một số mặt hàng OCOP đặc trưng của huyện Lạc Dương đã lập tức được đông đảo khách hàng đón nhận và đã phát sinh giao dịch trên sàn.
Nền tảng TMĐT Voso.vn là công cụ hữu hiệu giúp nông dân đưa các sản phẩm địa phương đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm trên Voso.vn có cam kết nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung cấp bởi các nhà sản xuất có uy tín và được kiểm định chất lượng bởi Viettel Post. Do đó, được người tiêu dùng đánh giá rất cao, vì họ được sử dụng đúng đặc sản, không sợ hàng kém chất lượng. Nguyên tắc hoạt động của nền tảng TMĐT Voso.vn dựa trên cơ sở mua hàng trực tiếp từ những địa chỉ sản xuất. Sau đó, thông qua hệ thống bưu điện trên toàn quốc cung cấp tận tay khách hàng không thông qua trung gian.
Thông qua nền tảng này, nhiều bà con bước đầu đã tìm được hướng đi mới trong việc tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm mà không bị phụ thuộc vào thương lái như trước đây. Về phía người tiêu dùng, có thể trải nghiệm mua sắm sản phẩm OCOP trực tuyến thông minh, sản phẩm đặc sản chính gốc, chất lượng cao, giá thành hợp lý.
Song song với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, việc đẩy mạnh hoạt động trên sàn TMĐT để mở rộng thị trường tiêu thụ đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu.
Chính vì vậy, huyện Lạc Dương đã và đang đẩy mạnh phát triển kênh TMĐT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trên địa bàn huyện quảng bá, xúc tiến, đồng thời là kênh bán hàng, tìm đối tác, mở rộng giao dịch cho các sản phẩm OCOP của địa phương ra ngoài địa giới. Trong tương lai gần những sản phẩm của chương trình OCOP sẽ có thêm những bước đột phá mới, đóng góp quan trọng vào chương trình phát triển kinh tế nông thôn của Chính phủ - ông Hoài cho hay.
HOÀNG SA
Nguồn: baolamdong.vn